Nếu doanh nghiệp của bạn đang có dự tính sử dụng các video animation để truyền tải thông điệp Marketing của mình một cách thú vị hơn, có lẽ bạn đã từng bắt gặp hai thuật ngữ: motion graphics và animation. Vậy motion graphics là gì? Điểm khác biệt giữa motion graphics và animation là gì?
Motion graphics (hay đồ họa chuyển động), là một dạng hoạt họa. Trong khi motion graphics sử dụng những chuyển động của thiết kế đồ họa làm trọng tâm minh họa, thì animation nói chung lại là một thuật ngữ rộng hơn, bao gồm nhiều những thể loại khác nhau, từ hoạt hình cho tới sử dụng các đối tượng làm từ đất sét để minh họa chuyển động.
Motion graphics tập trung vào những chuyển động của các đối tượng đồ họa, hơn là cách tiếp cận vào kể một câu chuyện (hoặc thông điệp có sẵn) như ở các thể loại hoạt họa khác. Thuật ngữ motion graphics và animation có thể được sử dụng với nghĩa tương đương nhau, và không phải lúc nào định nghĩa về 2 thuật ngữ này cũng rõ ràng.
Motion graphics là gì?
Motion graphics là loại hình đồ họa khiến cho các bản thiết kế trở nên sống động hơn, thông qua những chuyển động cơ bản, mà không cần phải quá lo lắng việc gắn những dịch chuyển ấy với một câu chuyện có nội dung cụ thể.
Hình ảnh dưới đây minh họa sự chuyển động hoạt họa của một logo, một ví dụ điển hình về motion graphics.
Tuy vậy, nếu doanh nghiệp của bạn muốn thông qua một nhân vật hoạt họa mà truyền tải câu chuyện cổ tích mang hơi thở hiện đại? Đó không phải là motion graphics, nó thuộc một thể loại hoạt họa hoàn toàn khác.
Về cơ bản, motion graphics chỉ đơn giản là dịch chuyển các hình khối đồ họa như khối tròn, Font chữ,… khiến nó trở nên sống động và thu hút nhiều sự chú ý hơn. Motion graphics không lồng ghép bất kỳ câu chuyện ẩn ý nào đằng sau nó.
Vậy, tại sao các doanh nghiệp phải sử dụng motion graphics, hay vì lựa chọn một phương thức khác có chi phí rẻ hơn như infographic?
Motion graphics có thể truyền đạt những ý tưởng phức tạp theo cách diễn tả trực quan.
Một số ý tưởng (thường mang tính trừu tượng) có thể rất khó để truyền tải tới người xem thông qua các đối tượng đồ họa / hình ảnh. Chỉ một vài giây chuyển động của motion graphics có thể giải quyết được bài toán này. Cứ lấy ví dụ như thế này: Khi bạn nhập password sai, ngay lập tức sẽ có dòng chữ nhấp nháy màu đỏ thông báo bạn đã điền sai thông tin.
Chắc chắn bạn sẽ nhận ra lỗi sai ấy và sửa chữa ngay lập tức, thay vì nhận ra lỗi sai sau khi điền hết tất cả các thông tin.
Motion graphics thu hút được nhiều sự chú ý hơn từ người xem.
Hoạt hình thì có vẻ quá trẻ con với người xem thuộc giới doanh nhân. Còn motion graphics thì vừa thú vị, sống động mà phù hợp với đa dạng đối tượng hơn. Dù doanh nghiệp bạn ở trong lĩnh vực ngành nghề nào, bạn cũng cần phải khiến thông điệp ấy trở nên sinh động và dễ đi vào lòng người hơn.
Animation là gì?
Animation (Hoạt họa) là một thuật ngữ mang tính rộng hơn motion graphics. Lịch sử hình thành và phát triển của animation có từ cách đây hơn 100 năm trước.
Bất kỳ cách thức nào khiến các đối tượng đồ họa dịch chuyển đều được coi là animation, dù là phương thức vẽ tay truyền thống, sử dụng đồ họa kỹ thuật số (CGI), anime, hoạt họa đất sét, hay chính motion graphics. Các phương thức này có thể kết hợp với nhau để cho ra những tác phẩm hoạt họa đặc sắc nhất, như motion graphics có thể sử dụng các công cụ bổ trợ để thiết kế nên một tác phẩm đồ họa sống động.
Vậy điều gì làm nên sự khác biệt của motion graphics so với những loại hình hoạt họa khác (ít nhất là trong khuôn khổ video marketing nói chung). Đơn giản là motion graphics chỉ đơn thuần là sử dụng những chuyển động của các hình khối, fông chữ và các đối tượng đồ họa khác, khiến các ấn phẩm truyền thông và marketing của doanh nghiệp trở nên sống động và thu hút sự chú ý từ người xem nhiều hơn.
Trong khi đó, Animation là một loại hình nghệ thuật, sử dụng sự chuyển động của các đối tượng đồ họa để kể một câu chuyện có thông điệp và mục đích rõ ràng.
Hãy hình dung như thế này: Nếu bạn chỉ muốn người dùng click vào một nút CTA trên landing page, bạn hãy thêm một vài chuyển động vui mắt để thu hút sự tập trung của người xem. Đó là motion graphics.
Nếu bạn muốn mượn mascot của doanh nghiệp để kể câu chuyện về quá trình hình thành của doanh nghiệp, sử dụng phương thức CGI hiện đại đang làm mưa làm gió hiện nay. Đó là animation.
Animation được sử dụng để kể một câu chuyện. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng xem một bộ phim hoạt hình của Pixar. Bạn có nhận ra rằng đằng sau những hình ảnh đồ họa bắt mắt, hiện đại, thu hút mọi ánh nhìn là một câu chuyện logic, chặt chẽ và đầy tính nghệ thuật? Đúng vậy, animation làm được nhiều điều hơn so với việc thêm vài sự chuyển động vui mắt như ở motion graphics.
Animation có chi phí đắt đỏ hơn rất rất nhiều để làm ra được 1 sản phẩm ưng ý. Motion graphics dễ dàng trong việc thiết kế và render hơn. Trong khi animation phải tốn kém nhiều chi phí hơn trong việc lên ý tưởng, xây dựng cốt truyện, thiết kế đồ họa và render hình ảnh.
Trường hợp nào nào sử dụng motion graphics và animation?
Video hiện đang là loại content đứng số 1 về mức độ thu hút sự chú ý của khách hàng, theo nghiên cứu của Animoto. Hơn một nửa số người dùng sẽ thực hiện các hoạt động tương tác với doanh nghiệp sau khi xem video của họ trên các nền tảng mạng xã hội.
Tuy vậy, không chỉ video, doanh nghiệp bạn muốn tìm một phương thức hoạt họa nào đó phù hợp, có thể truyền tải thông điệp và mục tiêu của doanh nghiệp. Đó là lúc bạn tìm đến motion graphics và animation.
Khi nào sử dụng motion graphics?
Motion graphics thích hợp để phác thảo, hoặc làm nổi bật những nội dung cần được nhấn mạnh trong bài viết marketing. Motion graphics không nhằm để kể lại một câu chuyện, hoặc ẩn chứa bất kỳ ẩn ý nào phía sau những chuyển động của các đối tượng đồ họa.
Motion graphics có thể truyền tải những ý tưởng phức tạp, trừu tượng của một sản phẩm dịch vụ một cách dễ hiểu, sinh động và nổi bật hơn.
Khi nào sử dụng animation?
Nếu bạn muốn mượn chuyển động animation để kể lại một câu chuyện có ý nghĩa cụ thể nào đó, hoặc thông qua animation mà nhấn mạnh tới khía cạnh cảm xúc trong sản phẩm / dịch vụ của mình, hãy sử dụng loại hình này.
Các câu chuyện có thể kết nối sản phẩm và dịch vụ tới gần hơn với đối tượng khách hàng mục tiêu thông qua các loại hình animation khác nhau.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn có thêm những hiểu biết cơ bản về motion graphics và animation, cũng như cách thức sử dụng các phương thức hoạt họa trên sau cho hợp lý và phù hợp với thông điệp mà mình muốn truyền tải.
(Nguồn: Uplevo.com)